T6, 05 / 2024 12:04 sáng | minhanh

Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải lựa chọn phương pháp tính thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Hiện nay có hai phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng và phương pháp khấu trừ.. Để có thể lựa chọn phương pháp tính thuế phù hợp, bạn cần phải hiểu rõ về đối tượng áp dụng cũng như cách xác định số tiền thuế GTGT của mỗi phương pháp. Trong bài viết hôm nay, Luật Blue sẽ đem đến cho quý khách một số thông tin về phương pháp tính thuế trực tiếp:

Tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp
  1. Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp là gì? Đối tượng áp dụng?

Phương pháp tính trực tiếp, bao gồm: tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu và tính bằng GTGT nhân với thuế suất thuế GTGT (chỉ áp dụng với hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý).

Đối tượng áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp phân theo 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Các tổ chức, cơ sở kinh doanh mặt hàng đặc thù về mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý…

Trường hợp 2:

  • Các tổ chức cơ sở kinh doanh, hợp tác xã mới thành lập hoặc đang hoạt động có doanh thu theo năm ở dưới mức 1 tỷ đồng ngoại trừ các cơ sở đã đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT;
  • Các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể;
  • Các tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ được quy định theo luật hiện hành ở Việt Nam ngoại trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ dùng cho hoạt động thăm dò, tìm kiếm, phát triển khai thác dầu khí;
  • Các trường hợp khác mà không đăng ký áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và không thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã quy định áp dụng.
  1. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

2.1. Hình thức tính bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng

Hình thức tính này áp dụng đối với hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý

Cách tính thuế: Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Giá trị gia tăng x Thuế suất

Trong đó:

  • Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng
  • Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra: là giá thực tế ghi trên hóa đơn bán ra, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế GTGT và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
  • Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào: được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào nội địa hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
  • Thuế suất thuế GTGT của mặt hàng là vàng, bạc, đá quý là 10%.

Cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý phải hạch toán riêng hoạt động này để xác định riêng số thuế GTGT phải nộp liên quan.

Trong kỳ tính thuế, nếu:

– Số thuế GTGT phải nộp của hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý có giá trị âm thì được tính bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp dương cùng phát sinh từ hoạt động này;

– Số thuế GTGT dương không đủ bù trừ thì số thuế GTGT phải nộp âm được kết chuyển để bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp của các kỳ kê khai thuế kế tiếp trong cùng một năm dương lịch.

Kết thúc năm dương lịch, số thuế GTGT phải nộp âm không được kết chuyển sang năm sau.

Tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp

2.2. Hình thức tính bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu

Đây là hình thức tính thuế được sử dụng chủ yếu và được áp dụng với các doanh nghiệp thuộc trường hợp trường hợp 2: các hoạt động khác (không bao gồm các hoạt động mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý)

Cách tính thuế: Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %

Trong đó:

Doanh thu để tính thuế GTGT: là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Lưu ý:

  • Nếu cơ sở sản xuất kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ % trên doanh thu đối với hai loại doanh thu này.
  • Tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh như sau:

+ Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

+ Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

+ Hoạt động kinh doanh khác: 2%

– Cơ sở sản xuất kinh doanh phải khai thuế theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề tương ứng với từng mức tỷ lệ theo quy định nêu trên.

– Trường hợp không xác định được doanh thu theo từng nhóm lĩnh vực, ngành nghề có tỷ lệ thuế GTGT khác nhau do không tách riêng được thì phải áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành mà cơ sở sản xuất kinh doanh đó tham gia.

– Tương tự, nếu một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm ngành nghề có tỷ lệ thuế GTGT khác nhau thì phải áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của các nhóm ngành liên quan đến hợp đồng trọn gói đó để xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp.

 

Bài viết cùng chuyên mục