T3, 05 / 2024 11:37 chiều | minhanh

Sau khi thành lập, tất cả các doanh nghiệp đều được quản lý bởi cơ quan thuế và phải nộp các loại báo cáo thuế lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Vì vậy, một trong những điều kế toán cần chú ý là xác định đúng và nộp tờ khai, tiền thuế đến đúng cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp mình. Vậy làm sao để xác định cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp?

Cách xác định cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp
  1. Cơ quan quản lý thuế là gì?

Cơ quan quản lý thuế là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện quản lý thu thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý thuế gồm những cơ quan sau:

– Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

– Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.

  1. Quy định về thẩm quyền quản lý doanh nghiệp của cơ quan thuế

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 6 và khoản 2,3 Điều 6 Quyết định 2845/QĐ-BTC phân công cơ quan thuế quản lý người nộp thuế (Cục Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế như sau:

1. Người nộp thuế do Cục Thuế quản lý

Phân công cho Cục Thuế quản lý trực tiếp những người nộp thuế (trừ người nộp thuế, khoản thu do Tổng cục Thuế quản lý quy định tại Điều 5 Quy định này) theo các tiêu chí sau:

a) Đối với doanh nghiệp:

– Doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).

– Doanh nghiệp có vốn nhà nước (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 100% vốn điều lệ), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp khác có quy mô kinh doanh lớn.

Cơ quan thuế xác định quy mô kinh doanh của doanh nghiệp căn cứ vào số vốn điều lệ (công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh), vốn đầu tư (đối với doanh nghiệp tư nhân) trên hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh) do cơ quan đăng ký kinh doanh gửi đến, hoặc hồ sơ đăng ký thuế đối với doanh nghiệp thực hiện đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan thuế để phân công cơ quan thuế quản lý.

Việc xây dựng và phê duyệt tiêu thức phân công cơ quan thuế quản lý theo quy mô vốn của doanh nghiệp được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 7 Quy định này.

– Doanh nghiệp dự án hoặc doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án (trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án) BOT, BTO, BT, BOO, BLT, BTL, O&M theo quy định của pháp luật về đầu tư.

– Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành, nghề kinh doanh đặc thù, như hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng, khai khoáng và ngành nghề kinh doanh khác theo yêu cầu quản lý thuế củatừng địa phương.

– Doanh nghiệp thành lập và hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao thuộc cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh quản lý.

– Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng; hoặc doanh nghiệp có quan hệ liên kết, quan hệ với một trong các thành viên góp vốn với doanh nghiệp theo quy định của giao dịch kinh doanh giữa các bên có liên kết đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp; doanh nghiệp có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn.

2. Người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý

Chi cục Thuế quản lý trực tiếp các người nộp thuế còn lại sau khi trừ các người nộp thuế do Tổng cục Thuế và Cục Thuế quản lý theo quy định tại Quy định này có địa điểm hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cấp huyện.

3. Người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức (trừ chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức do Tổng cục Thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Điều 5 Quy định này).

a) Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý theo cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức.

b) Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức không cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ quan thuế quản lý theo cấp của cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức do Cục Thuế quản lý thì chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cũng do Cục Thuế quản lý).

Riêng Cục Thuế thành phố  Hà Nội, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh có số lượng chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc lớn, Cục trưởng Cục Thuế phân công cơ quan thuế quản lý trực tiếp đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc trên địa bàn cho phù hợp với năng lực quản lý của Cục Thuế, Chi cục Thuế.

4. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh thực hiện phân công cho cơ quan thuế đang quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

5. Đối với tổ chức được cơ quan thuế ký hợp đồng ủy nhiệm thu thực hiện phân công cho cơ quan thuế có hợp đồng ủy nhiệm thu.

Dựa trên nhiều đặc điểm như nguồn vốn, địa điểm hoạt động, ngành nghề kinh doanh… doanh nghiệp sẽ được phân cho cơ quan quản lý thuế phù hợp. Tùy vào đặc điểm của doanh nghiệp mình, kế toán có thể xác định được cơ quan quản lý và nộp tờ khai thuế, tiền thuế chính xác.

  1. Cách tra cứu thông tin thuế doanh nghiệp
Cách xác định cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp

Như đã phân tích ở trên, việc xác định cơ quan thuế quản lý dựa trên nhiều phương diện khiến cho kế toán có thể nhầm lẫn trong việc xác định cơ quan thuế quản lý. Luật Blue sẽ hướng dẫn bạn cách tra các thông tin thuế của doanh nghiệp, trong đó có thông tin về cơ quan thuế một cách nhanh gọn, chính xác:

Bước 1: Truy cập trang chủ của Tổng cục thuế tại địa chỉ: http://tracuunnt.gdt.gov.vn/

Bước 2: Chọn mục thông tin về người nộp thuế

Bước 3: Nhập mã số thuế doanh nghiệp và mã xác nhận

Sau khi thực hiện các bước trên, bạn sẽ xem được thông tin doanh nghiệp và cơ quan thuế quản lý.

 

Bài viết cùng chuyên mục